Tia hy vọng cho việc có thể chữa bệnh mất trí nhớ Alzheimer
Một nghiên cứu mới mở ra tia hy vọng cho việc có thể chữa bệnh mất trí nhớ Alzheimer.
Mười mấy năm trước, khi đang là một chuyên gia 58 tuổi làm việc trong lĩnh vực y khoa, Peter bỗng dưng nhận thấy mình không còn khả năng phân biệt người lạ, người quen. Kế đến, ông không còn nhớ các dãy số. Có những lúc đọc hết nửa quyển sách, Peter mới nhận ra mình đã đọc quyển sách đó rồi.
Một năm sau, hình ảnh scan não cho thấy Peter đang có những thương tổn điển hình của bệnh mất trí nhớ Alzheimer. Peter lo rằng chẳng bao lâu ông sẽ mất bằng lái xe do bị thu hồi. Sự thật là suốt mười mấy năm qua, Peter phải vật lộn với chứng mất trí nhớ diễn ra dần dần. Ông giấu bệnh với những người chung quanh trong khi bản thân chuẩn bị tinh thần cho điều xấu nhất. Cách đây hai năm, Peter đã tính đến chuyện thôi việc.
Tương tự như Peter, Julie Gee, một nhân viên siêu thị 49 tuổi, bắt đầu không còn nhận ra người mình quen biết. Sau đó, các xét nghiệm gen và scan não đã xác nhận những triệu chứng bệnh Alzheimer đầu tiên của Julie.
Các triệu chứng khác cũng xuất hiện. Thỉnh thoảng, Julie không nhớ được những con đường quen thuộc. Đang trò chuyện với chồng, người phụ nữ này bỗng dưng quên mất mình đang nói gì, hoặc không thể nhớ lại dù chỉ một chút nội dung mình vừa đọc. Julie khủng hoảng đến mức đã có lúc nghĩ đến chuyện tự tử.
Peter và Julie là hai câu chuyện điển hình về bệnh Alzheimer trong một bài báo gần đây trên CNN. Ớ Mỹ, có đến 5 triệu người mắc căn bệnh này. Alzheimer cũng xếp thứ sáu trong số những chứng bệnh giết người nhiều nhất ở Mỹ. Điều đáng sợ là vẫn chưa có thuốc chữa Alzheimer.
Tuy nhiên, điều kỳ diệu đến với Peter cách đây hơn một năm khi ông tham gia chương trình điều trị của TS Dale Bredesen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Alzheimer Mary s. Easton thuộc Viện ĐH California tại Los Angeles, Mỹ.
Theo bài báo CNN, nghiên cứu của TS Bredesen trên một nhóm nhỏ bệnh nhân dường như đang mang lại một tia sáng cho việc chữa trị Alzheimer. Chín trong số 10 bệnh nhân tham gia cho thấy sự thuyên giảm các triệu chứng sau khi được điều trị bằng các biện pháp như tối ưu hóa lượng vitamin D trong máu, bổ sung DHA nhằm nối liền các vùng liên hệ trong não, giúp ruột hoạt động tối ưu và kiêng ăn hợp lý để duy trì lượng insulin cần thiết.
Sau một thời gian điều trị kéo dài vài tháng, các bệnh nhân (tuổi từ 55-75) đều cho biết nhận thức của họ được cải thiện hoặc phục hồi.
Bredesen cho rằng có thể có đến 36 tác nhân gây ra Alzheimer và cần đối phó với các nguyên nhân đó theo nhóm, chứ không phải từng tác nhân riêng rẽ. Các xét nghiệm trên nhóm bệnh nhân cho thấy mỗi người có từ 10-24 tác nhân cần được điều chỉnh.
Kết luận này của Bredesen trái ngược với quan điểm cho rằng cần tác động lên từng tác nhân riêng lẻ. Theo ông, điều này không đúng trong việc chữa trị một chứng bệnh đa nguyên nhân như Alzheimer.
Sau sáu tháng điều trị, Peter nói rằng nhận biết của ông đối với gương mặt và các con số đã cải thiện. Năm nay 71 tuổi, Peter không còn tính đến chuyện nghỉ việc, điều mà mới năm trước ông vẫn còn lo.
Các biện pháp áp dụng với Peter bao gồm loại bỏ cacbon hydrat đơn giản và thức ăn chế biến sẵn trong khẩu phần; sử dụng probiotics (chất bổ sung dinh dưỡng chứa vi khuẩn có ích) và dầu dừa; tập thể dục với cường độ cao; và cố gắng ngủ đủ tám giờ một ngày càng tốt.
Câu chuyện của Julie cũng xảy ra tương tự khi cô tham gia chương trình điều trị của TS. David Perlmutter, một chyên gia thần kinh nổi tiếng. Trên thực tế, những gì Perlmutter thực hiện cũng giống như Bredesen đã làm.
Julie thêm dầu cá và một số chất bổ sung vào khẩu phần hàng ngày của mình. Cô cũng thiền định mỗi ngày hai lần và kéo dài giấc ngủ từ 7-8h hàng đêm. Ngủ đủ giấc và luyện tập sức khỏe thường xuyên giúp cải thiện lượng máu lên não, kích thích sản sinh tế bào thần kinh. Julie được chi định liệu pháp thay thế hormon dành cho phụ nữ bị rối loạn cân bằng nội tiết, điều có thể gây hại cho hoạt động não.
Julie cũng kiên ăn trong vòng 12h đồng hồ mỗi ngày, bắt đầu từ sau bữa ăn tối đến sáng hôm sau. Cô tuân thủ nghiêm ngặt thời gian kiêng ăn ba tiếng từ sau bữa tối đến khi đi ngủ. Theo Bredesen, thời gian này cần thiết để một quá trình gọi là “autophagy” (quá trình tự tiêu) có thể giúp phá hủy amyloid-beta, một protein có hại trong não của bệnh nhân Alzheimer.
Julie cũng đoạn tuyệt với thức ăn chế biến sẵn, bao gồm đường, ngũ cốc và các loại tinh bột khác vì các chất này có thể gây hại cho não. Quy tắc của cô là: không đụng tới những gì đóng hộp hoặc gói sẵn trong bao bì.
Một bữa ăn tối điển hình của Julie gồm chủ yếu rau củ sạch, dầu ô liu tinh chất và cá đánh bắt từ môi trường thiên nhiên. Thỉnh thoảng, cá được thay thế bởi thịt nạc gia súc nuôi bằng cỏ. Julie cũng đưa vào thực đơn của mình nhiều thức ăn lên men vì các nghiên cứu cho thấy ruột hoạt động tốt sẽ giúp não minh mẫn.
Julie cho biết sau vài tháng điều trị, trí nhớ của mình đã cải thiện đáng kể. Trước đó, khi tham gia một bài tập luyện trí não trên một trang web, Julie chi đứng thứ 70/100. Nhưng sau khi điều trị, cô xếp trong nhóm 10 thứ hạng đầu.
Tuy nhiên, Peter và Julie vẫn là những trường hợp hiếm hoi. Cần có nhiều nghiên cứu khác với những đối tượng rộng hơn để chứng tỏ tính khả thi của phương pháp Bredesen.
Bài báo trên CNN dẫn lời James Hendrix, thuộc Hiệp hội Alzheimer (Alzheimer’s Association), nhấn mạnh rằng các kết quả của nghiên cứu này cần được xử lý một cách cẩn trọng, trước hết là vì nó chỉ được thực hiện trên một số rất nhỏ bệnh nhân. Vì các bệnh nhân có những chẩn đoán khác nhau, sự can thiệp cũng khác nhau.
Trong khi đó, TSBredesen cho biết nhóm của mình vẫn tiếp tục nghiên cứu các nguyên nhân gây bệnh và các kết quả nghiên cứu có thể làm nền tảng cho việc phòng bệnh Alzheimer.
“Nếu vẫn chưa có gì xảy ra với bạn thì tốt hơn hết nên nghe những gì mẹ đã khuyên chúng ta. Đó là rèn luyện sức khỏe, ngủ ngon đủ giấc, giảm căng thẳng thần kinh và đừng đụng đến thức ăn nhanh kém bổ dưỡng (junk food)”, Bredesen nói.
Trả lời