Thủ phạm gây gai gót chân
Gai gót chân là cụm từ dân gian để chỉ bệnh viêm cân gan lòng bàn chân. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sinh hoạt của bệnh nhân.
Anh Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ, mẹ anh 55 tuổi, gần đây bỗng có cảm giác đau, thốn ở gót chân, bước đi rất khó khăn. Nhất là khi mới ngủ dậy, mẹ phải ngồi xoa bóp chân trong vòng vài phút mới có thể đặt chân xuống đất để đi lại.
Đi khám, các bác sĩ cho biết, mẹ anh bị gai gót chân. “Trong phim chụp thấy rõ phần xương nhọn nhô ra ở gót chân trông rất đáng sợ”.
Chị Nguyễn Thị Huyền (34 tuổi, quận Thủ Đức, TPHCM) cũng than phiền rằng, gần đây, chị có cảm giác thốn ở gót chân, đi lại rất nhức nhối, khó chịu. Khi đi khám, bác sĩ cho biết chị bị gai gót chân. Vậy là ngoài việc phải uống rất nhiều thuốc kháng viêm, chị phải từ giã những đôi giày cao gót quen thuộc.
Nói về căn bệnh gai gót chân, BS Đỗ Thị Xuân Hương, Trưởng khoa nội cơ xương khớp, BV Nguyễn Tri Phương TPHCM cho biết, gai gót chân là từ dân gian dùng để chỉ căn bệnh viêm cân gan lòng bàn chân.
Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, tần suất nhiều nhất là khoảng 40 – 50 tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân nam nhiều hơn nữ. Đặc biệt, bệnh có sự liên quan đến nghề nghiệp, những người lao động nặng, phải đi lại nhiều, vận động viên, phụ nữ thường xuyên phải mang giày cao gót… là những đối tượng dễ bị gai gót chân nhất.
Thủ phạm gây đau
Đau là biểu hiện đầu tiên và dễ nhận thấy nhất của bệnh nhân bị gai gót chân. Đôi khi, bệnh nhân cảm nhận được những cơn đau buốt bên trong gót chân.
Cơn đau này thường dịu đi khi cơ thể nghỉ ngơi và lại đau hơn khi đứng dậy; cơn đau thường xuất hiện vào buổi sáng và nặng hơn nếu bệnh nhân bước đi trên bề mặt cứng hoặc mang vác vật nặng. Khi đi khám, trên phim chụp X – quang của bệnh nhân bị gai gót chân thường thể hiện một phần gai nhọn nhô ra ở gót chân hoặc cựa sau của xương gót.
Nguyên nhân của bệnh gai gót chân là do tình trang viêm lâu ngày ở gót chân, trong quá trình có phản ứng viêm sẽ kéo tế bào, thực bào, và canxi lắng đọng tại chỗ viêm. Lâu ngày, lớp lắng đọng này đóng lại tạo thành cái gai, có người gọi là cựa (giống cựa của con gà). Vị trí nhiều nhất là ở lòng bàn chân, chỗ xương gót chân.
Hiện tượng viêm có thể xảy ra là do cử động liên tục, hoặc do có sự chèn ép trọng lượng từ phía trên xuống…làm yếu gân cơ, đè nén. Sự đau mà bệnh nhân cảm nhận là do phản ứng viêm gây nên chứ không phải do phần xương nhô ra gây đau.
Ở nhiều bệnh nhân, phần gai nhọn kia tuy rất dài, nhưng họ cũng không có cảm giác đau. Bản thân phần xương này không đau nếu không có phản ứng viêm ở các mô xung quanh, ảnh hưởng đến dây thần kinh.
Chăm sóc đôi chân đúng cách
Bệnh gai gót chân không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sinh hoạt của bệnh nhân. Khi tình trạng viêm nặng, nhiều bệnh nhân không thể bước đi vì cảm giác đau thốn ở gót chân. Nhất là đối với người lao động nặng hoặc vận động viên sẽ không thể tiếp tục công việc, ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Đa phần, bệnh nhân chỉ cảm thấy đau trong động tác bước đi, hoặc khi mới tỉnh dậy, mới đặt chân xuống giường. Cơn đau có thể khắc phục nếu bệnh nhân xoa bóp nhẹ bàn chân trước khi bước xuống giường, giúp cho phần tụ dịch vùng xung quanh chỗ viêm tán ra, giảm cảm giác đau tấy.
Về phương pháp điều trị, BS Xuân Hương cho biết, khi chưa có gai gót chân, chỉ mới xuất hiện phản ứng viêm, bệnh nhân có thể điều trị nội khoa bằng cách sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau.
Các bác sĩ sẽ hướng dẫn để bệnh nhân đi dép mềm, có chiều cao từ 2-3cm giúp nâng đỡ xương gót chân. Khi xuất hiện gai là trường hợp đã quá nặng, khó điều trị, bệnh nhân được uống thuốc kháng viêm, giảm đau hoặc nếu trường hợp bệnh nhân quá đau sẽ phải tiêm coticoid tại chỗ.
Để phòng tránh bệnh gai gót chân, chúng ta không nên làm việc quá sức để gân chân phải hoạt động liên tục; nên đi giày mềm mại, vừa vặn với chân, có độ cao từ 2-3cm. Đồng thời, khi mới có cảm giác đau, nên đi khám để điều trị kịp thời.
Trả lời