Chi phí điều trị viêm gan đắt đỏ
Trung bình mỗi ngày, tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất có khoảng 700 bệnh nhân khám, điều trị ngoại trú bệnh viêm gan siêu vi B, C và khoảng 12-15 người nhập viện điều trị nội trú.
Bác sĩ khoa nhiệt đới BVĐK Thống Nhất khám bệnh cho chị P. Ảnh: N.THƯ |
Trong số các bệnh nhân phát hiện bị ung thư gan do viêm gan siêu vi B, C, phần lớn là không tầm soát bệnh để điều trị sớm hoặc không có điều kiện chữa trị bệnh viêm gan siêu vi B, C mạn tính.
Chi phí điều trị cao
Cách đây 2 năm, chị P., ngụ tại ấp 1, xã Phú Vinh (huyện Định Quán) thấy trong người thường xuyên mệt mỏi, mặt nổi mụn bọc to, da vàng. Nghĩ mình bị nóng gan nên chị P. đến tiệm thuốc Đông y bắt mạch để lấy thuốc mát gan về uống.
Uống thuốc được 1 năm nhưng tình hình bệnh vẫn không thuyên giảm, miệng khô rát, da ngày càng vàng nên chị đã đến Bệnh viện đại học y dược TPHCM để khám bệnh. Tại đây, chị P. được cho biết chị bị viêm gan siêu vi C mạn tính. Thời điểm đó, chị P. chưa mua bảo hiểm y tế nên mỗi tháng chị phải trả chi phí chữa bệnh từ 11-13 triệu đồng.
Do chi phí chữa trị quá lớn nên chị xin về Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chữa trị và đăng ký mua bảo hiểm y tế tại đây. Dù có thẻ bảo hiểm y tế, chi phí điều trị hàng tháng của chị P. có giảm hơn so với trước nhưng vẫn còn ở mức cao, lên đến 6-7 triệu đồng/tháng. Đến nay, chị đã điều trị gần 1 năm. Để có tiền điều trị bệnh, gia đình chị chạy vạy vay mượn khắp nơi nhưng vẫn chưa chữa khỏi bệnh.
BS Nguyễn Ngọc Thanh Quyên, Trưởng khoa nhiệt đới BVĐK Thống Nhất, cho biết bệnh viêm gan siêu vi B được bảo hiểm y tế thanh toán nhiều, còn bệnh viêm gan siêu vi C chỉ được bảo hiểm y tế thanh toán 30%.
Nếu có bảo hiểm y tế đúng tuyến, bệnh nhân phải tự thanh toán 70%, tương đương với 6-7 triệu đồng/tháng, trong khi phác đồ điều trị phải hơn 1 năm. Bệnh viêm gan B đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Riêng bệnh viêm gan C đã có thuốc đặc trị. Người bệnh được điều trị sớm, đúng cách và kiên trì có thể chữa khỏi từ 50-70%.
Kiến thức phòng bệnh còn hạn chế
BS Quyên cho biết phần lớn những người bị viêm gan siêu vi B, C đang điều trị tại bệnh viện đều trong độ tuổi từ 30-60. Do những dấu hiệu của bệnh viêm gan siên vi B, C rất mờ nhạt, thậm chí là không có biểu hiện gì nên người bệnh khó nhận biết mình đang bị nhiễm siêu vi B, C. Nếu không quan tâm tầm soát bệnh thì rất khó phát hiện để chữa trị bệnh kịp thời.
Khi bệnh nhân không được điều trị dứt bệnh viêm gan siêu vi B, C sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác qua nhiều đường lây bệnh, như: lây nhiễm do truyền máu hay từ mẹ sang con; lây qua các dụng cụ, như: bơm kim tiêm, kim châm cứu, kềm cắt móng tay… Đây không chỉ là nỗi lo, gánh nặng cho gia đình bệnh nhân mà còn là gánh nặng của toàn xã hội và việc chung tay hành động để đẩy lùi căn bệnh này rất cấp bách hiện nay. |
Hiện nay, kiến thức phòng bệnh viêm gan siêu vi B, C còn rất hạn chế. Đa số bệnh nhân viêm gan B không có triệu chứng và vẫn cảm thấy khỏe mạnh như thường, cho đến khi bệnh phát triển khiến gan bị chai hoặc ung thư.
Nhiều ca bệnh do viêm gan siêu vi B, C mạn đều có các biểu hiện nặng, như: vàng da, vàng mắt và xơ gan. Đến lúc này thì khả năng chữa rất thấp, thậm chí không thể chữa khỏi.
Những người có nguy cơ cao bị viêm gan siêu vi B, C là trẻ em được sinh ra từ người mẹ mang bệnh viêm gan siêu vi B, C; những người dùng kim tiêm hoặc quan hệ tình dục không an toàn; những người xăm mình, xỏ lỗ tai bằng các dụng cụ nhiễm siêu vi gây bệnh… Để biết mình có bị nhiễm bệnh viêm gan siêu vi B, C hay không chỉ có thử máu là phương pháp duy nhất để xác định bệnh.
BS Quyên khuyến cáo, nếu thử máu cho kết quả âm tính với viêm gan siêu vi B thì nên chích ngừa viêm gan B để ngừa bệnh. Nếu bệnh nhân có kết quả dương tính phải đến các cơ sở y tế để được theo dõi và chữa trị càng sớm càng tốt, ngay cả khi không thấy biểu hiện đau đớn. Trong trường hợp bị viêm gan siêu vi B mạn tính thì bệnh nhân phải điều trị tích cực, đúng phác đồ điều trị để phòng ngừa xơ gan, chống ung thư gan.
Đối với bệnh viêm gan siêu vi C, điều trị sớm đặc biệt quan trọng trong bệnh viêm gan siêu vi C vì tỷ lệ đáp ứng giảm đáng kể theo thời gian. Nếu tỷ lệ thành công trong điều trị viêm gan siêu vi C cấp tính có thể là 90%, thì tỷ lệ điều trị thành công sẽ giảm đi 10% mỗi năm nếu để bệnh kéo dài và chuyển sang mạn tính.
Do đó, nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì cần đến các cơ sở y tế điều trị và cần thiết phải tuân theo đúng phác đồ. Đối với người có xét nghiệm âm tính thì cần khám định kỳ 3-6 tháng/lần để tầm soát bệnh một cách hiệu quả nhất.
Theo Baodongnai
Trả lời