Bị vảy nến làm sao để chữa ?
Tỉ lệ mắc bệnh vảy nến tại Việt Nam là khoảng 2-3% dân số (tương đương 1,8-2,7 triệu người), bệnh gây nhiều ngứa ngáy, khó chịu cho người mắc phải, thậm chí nhiều người còn bị kỳ thị, xa lánh. Vậy bệnh vảy nến có chữa được không?
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến
Tác nhân gây bệnh là do hệ thống miễn dịch phát những tín hiệu sai làm da phát triển quá nhanh, các tế bào da mới được tạo ra chỉ trong vài ngày chứ không phải vài tuần như người bình thường. Ðiều này dẫn đến lớp vảy cũ chưa kịp bong ra ngoài để thay thế bằng lớp vảy mới thì lớp vảy mới đã tích tụ, xếp thành lớp trên bề mặt da gây nên những mảng vảy nến.
Vảy nến là bệnh đứng hàng thứ tư trong các loại bệnh da liễu có số lượng bệnh nhân đến điều trị nhiều ở Bệnh viện Da liễu TPHCM. Dù bệnh có triệu chứng rất kinh khủng nhưng đây là bệnh không lây, mang tính chất gia đình, nó được coi là bệnh viêm hệ thống, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể.
Ảnh minh họa
Vảy nến có nhiều dạng:
+ Vảy nến mảng: là loại thường gặp nhất, chiếm tới 80-90% trường hợp mắc bệnh này.
+ Vảy nến giọt: thường liên quan đến một đợt nhiễm trùng nào đó của cơ thể.
+ Vảy nến mủ: loại này ít gặp hơn nhưng đây là dạng vảy nến cấp tính, thường liên quan đến sử dụng thuốc không đúng. Khi bị vảy nến mủ toàn thân, bệnh nhân có triệu chứng đỏ da, mệt mỏi, kiệt sức, sốt, lạnh run, ngứa nhiều, mạch nhanh, chán ăn, yếu cơ.
+ Vảy nến đỏ da toàn thân: Nếu bị vảy nến đỏ da toàn thân, bệnh nhân cũng phải nhập viện để được bác sĩ chuyên khoa da liễu điều trị, tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra.
Bệnh vảy nến có chữa được không?
Vảy nến là bệnh mãn tính, không thể điều trị khỏi hẳn và dễ tái phát khi có các yếu tố nguy cơ làm kịch phát bệnh vảy nến. Tùy tình trạng bệnh, loại bệnh mà bệnh nhân sẽ được bác sĩ chọn lựa phương pháp điều trị nào làm giảm triệu chứng, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Sau đây là một số phương pháp chữa bệnh vảy nến phổ biến hiện nay:
Dùng thuốc tây: đó là các loại thuốc dùng có tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng, làm giảm viêm, ngứa và giảm tăng sinh tế bào da (Betamethasone, clobetasol….); nhóm thuốc retinoid thường được sử dụng trong điều trị vảy nến nặng, đã đề kháng với các thuốc điều trị khác; thuốc Acid salicylic để làm tiêu sừng, giúp bong tróc vảy dễ dàng và làm bình thưởng hóa lớp sừng ở da hay nhóm thuốc dẫn chất vitamin D3 thường được sử dụng trong điều trị vảy nến mảng hay vảy nến da đầu,…
Dùng thuốc Đông y: đây là sự lựa chọn phổ biến của nhiều bệnh nhân hiện nay trong điều trị bệnh vẩy nến do có thể dùng điều trị trong thời gian dài mà không lo tác dụng phụ. Một số bài thuốc trị bệnh vẩy nến hiệu quả dược sử dụng như bài thuốc từ cây lược vàng, trà xanh, lá ớt…
Phương pháp Quang trị liệu trị bệnh vẩy nến: Chữa bệnh vẩy nến bằng quang trị liệu là phương pháp hiện đại sử dụng tia sáng UVB và PUVA chiếu vào vùng da bị tổn thương. Phương pháp này có tác dụng khỏi bệnh nhanh, kéo dài, tỉ lệ sạch thương tổn cao. Tuy nhiên, phương pháp này dễ gây ra tác dụng phụ nên ít được sử dụng.
Để giữ nền tảng sức khỏe tốt, bệnh nhân nên:
– Phải bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia
– Uống nhiều nước
– Ngủ đủ giấc
– Tập thể dục, thư giãn và có chế độ ăn hợp lý.
– Nên ăn các loại thực phẩm có chất chống oxy hóa (nho và bưởi, các loại đậu, mơ, nho khô, mận, ngũ cốc,…), các thực phẩm có beta-carotene (cà rốt, rau lá xanh, quả mơ, xoài), có folate (ngũ cốc, đậu lăng, lúa mì, đậu Hà Lan, cây bông cải xanh, cải bắp, giá và nước cam), có kẽm (sò và các thực phẩm có ngũ cốc), có axit béo omega-3 (cá mòi, cá thu và cá hồi, các loại hạt lanh, hạt hướng dương và hạt mè).
– Dùng muối và đường vừa phải, giảm thức ăn nhiều mỡ và cholesterol, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn cay, tiêu, sôcôla, trứng (một số bệnh nhân)…
Trả lời