Cách chữa nhiệt miệng triệt miệng tránh tái phát
Cháu hay bị nhiệt miệng khiến cho việc ăn uống không ngon miệng. Xin hỏi bác sĩ cách chữa nhiệt miệng để tránh tái phát.
Cháu hay bị nhiệt miệng khiến cho việc ăn uống không ngon miệng. Xin hỏi bác sĩ cách chữa nhiệt miệng để tránh tái phát?
Hoàng Quý (Điện Biên)
Nhiệt miệng thực chất là một tổn thương ở niêm mạc miệng do nhiều nguyên nhân gây ra như răng sâu, viêm quanh răng, hoặc do những sang chấn từ bên ngoài, hoặc do nhiễm khuẩn… Biểu hiện bởi triệu chứng viêm nhiễm như sưng, nóng, đỏ, đau, vết loét gây khó chịu nhất là khi ăn uống. Có thể có những vết loét dưới lưỡi và niêm mạc miệng, khi viêm cấp thường tấy đỏ và rất đau, thậm chí có sốt, nổi hạch góc hàm, ăn uống khó khăn.
Thông thường khi bị nhiệt miệng nhẹ, bạn chỉ cần vệ sinh răng miệng, súc miệng nước muối nhạt (pha muối với nước sôi để nguội và nếm thấy vị mặn hơn nước canh là được), tốt nhất là súc miệng bằng dung dịch natri clorid 0,9%, tăng cường sức đề kháng, bổ sung vitamin nhóm B, tránh ăn cay, nóng, uống bia rượu…, khi niêm mạc vùng tổn thương chuyển sang màu trắng và đỡ đau là lúc bệnh bắt đầu giảm. Nhiệt miệng có thể khỏi trong vòng 10 ngày.
Trường hợp nhiệt miệng tái phát nhiều lần hoặc kéo dài không khỏi có kèm theo các triệu chứng toàn thân khác như mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, có những dấu hiệu bất thường như sưng thành một đám cứng không có giới hạn, chảy máu hoặc có dấu hiệu của nhiễm trùng như môi khô, lưỡi bẩn, sốt…, thì bạn phải đến khám bác sĩ chuyên khoa răng – hàm – mặt để xác định tổn thương có liên quan đến tổ chức lân cận hay không và có cách chữa trị cụ thể theo nguyên nhân gây bệnh.
Theo BS Quang Trung – Sức khỏe và Đời sống
Trả lời