Tắm lá cho trẻ mắc thủy đậu, bố mẹ cẩn thận không hôi hận cả đời
“Thông thường vết sẹo của thủy đậu chỉ xảy ra ở nốt đầu tiên nhưng con tôi bị thêm mấy nốt ở mặt và cổ do hậu quả của tắm lá. May mắn là tôi đã đưa con đi chữa trị kịp thời”, chị N. cho hay.
Thời điểm giao mùa Đông Xuân cũng chính là lúc thủy đậu dễ bùng phát. Có thể phòng thủy đậu bằng tiêm vắc xin, tuy nhiên vẫn có những trường hợp chưa được tiêm chủng nên vẫn mắc.
Như Emdep.vn đã thông tin về trường hợp, bé Phước bị thủy đậu. Tuy nhiên, do vợ chồng chị Khuyên không đưa con đến bệnh viện để thăm khám mà dùng lá để tắm theo lời của một số người. Điều này dẫn đến bé bị biến chứng thủy đậu.
Cụ thể các nốt thủy đậu vỡ ra, các vết loét lan rộng, bé càng đau đớn. Sau khi điều trị ở tuyến dưới không được, gia đình đã chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Hiện nay, các vết loét đã sần lại, bé đã đỡ đau hơn.
Việc dùng các loại lá tắm cho trẻ khi bị thủy đậu vẫn được không ít gia đình truyền tai nhau. Tuy nhiên, đây là điều hết sức nguy hiểm, nhiều lần được các bác sĩ khuyến cáo không được làm.
Cách đây vài năm, con trai chị N. (Từ Liêm, Hà Nội) mới 2 tuổi cũng mắc thủy đậu. Dù vẫn bôi xanh metylen và giữ vệ sinh nhưng nghe lời người bà con, chị N. đã mua các loại lá ở chợ về tắm để con đỡ ngứa ngáy. Khi tắm xong, chị N. nghĩ mọi thứ sẽ ổn. Nhưng ngày hôm sau, các nốt thủy đậu bắt đầu vỡ và loét. Chị N. ngay lập tức đưa con đi bệnh viện nên mới không bị biến chứng nặng.
“Thông thường vết sẹo của thủy đậu chỉ xảy ra ở nốt đầu tiên nhưng con tôi bị thêm mấy nốt ở mặt và cổ do hậu quả của tắm lá. May mắn là tôi đã đưa con đi chữa trị kịp thời”, chị N. cho hay.
Tắm nước lá khi bị thủy đậu rất nguy hiểm?
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nhi khoa Tuấn Anh cho hay, hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn giữ thói quen chữa bệnh cho con qua tham khảo lời bạn bè, hàng xóm hoặc cả những người già. Trong đó có những kinh nghiệm đúng, nhưng cũng có những kinh nghiệm có thể dẫn đến biến chứng.
“Với thủy đậu, tuyệt đối không dùng bất cứ loại lá nào để tắm. Thứ nhất, việc mua hay hái các loại lá không kiểm soát được chất lượng, có thể bản thân lá đã có các vi khuẩn hay các côn trùng sống trên đó. Khi tắm cho trẻ những vi khuẩn này thâm nhập vào các nốt thủy đậu có thể gây ra biến chứng, viêm nhiễm, trẻ đau đớn là điều có thể xảy ra”, bác sĩ Tuấn Anh nói.
Mặt khác, trong khi tắm, phụ huynh không cẩn thận khiến cho nốt thủy đậu vỡ ra dẫn đến bội nhiễm. “Việc tắm lá không thể tiêu diệt vi khuẩn như phụ huynh nghĩ. Cho nên tắm lá, gốc rạ đun nước tắm hay uống nước gốc rạ không đưa lại tác dụng thậm chí còn gây nguy hiểm. Có những loại lá gây dị ứng vì không phù hợp với da, cơ địa của trẻ dẫn đến cơn ngứa càng nặng hơn”, bác sĩ nói.
Khi trẻ bị thủy đậu, thay vì quá kiêng ăn uống, phụ huynh nên cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, trong đó bổ sung những thực phẩm có tính mát đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin C, tăng cường sức đề kháng.
Còn về việc bôi nghệ để liền sẹo cũng cần lưu ý. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ Đông Y. Bởi có những người mang cơ địa dị ứng với nghệ hoặc bôi nghệ khi nốt thủy đậu chưa vỡ cũng không phải là điều nên làm.
“Khi con bị thủy đậu, phụ huynh vẫn cần vệ sinh cho trẻ. Có thể dùng khăn lau các vùng da xung quanh bằng nước ấm. Tuyệt đối không va chạm và tác động khiến cho nốt thủy đậu bị vỡ dễ dẫn đến bội nhiễm. Nếu mặc không thoáng, vệ sinh kém sạch sẽ làm cho các chất bẩn tồn tại trên da sẽ gây bội nhiễm. Nhưng cũng không được tắm như khi trẻ đang khỏe”, bác sĩ nhấn mạnh.
Trả lời