Cách xử lý cho một số tình huống nha khoa khẩn cấp
Bất cứ trường hợp tổn thương răng miệng nào, từ chấn thương răng tới viêm lợi đều có thể là nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe và không nên bỏ qua. Một khi bị phớt lờ, các vấn đề này có thể tăng mức độ tổn thương và dẫn tới những điều trị phức tạp, tốn kém về sau này. Sau đây là một số hướng dẫn cách xử lý cho một số tình huống nha khoa khẩn cấp mà tất cả chúng ta đều nên biết:
1. Đau răng
Trước tiên, hãy súc miệng thật kỹ với nước ấm. Sử dụng chỉ tơ nha khoa đề loại bỏ tất cả các mảnh vụn thức ăn bị giắt. Nếu miệng của bạn bị sưng, chườm lạnh phía bên ngoài miệng hoặc má. Không đặt thuốc aspirin hoặc thuốc giảm đau lên vị trí gần răng đau vì chúng có thể làm bỏng các mô lợi. Sau đó bạn hãy tới nha sĩ càng sớm càng tốt.
2. Vỡ mẻ răng
Bạn hãy giữ lại tất cả các mảnh răng vỡ, súc miệng với nước ấm xem còn sót lại mảnh vỡ nào không. Nếu răng chảy máu, dùng gạc đặt lên nơi tổn thương khoảng 10 phút hoặc cho tới khi máu ngừng chảy. Chườm lạnh phía ngoài gần vị trí răng vỡ mẻ để giảm sưng và bớt đau. Tới nha sĩ ngay khi có thể.
Nếu răng bị mẻ bạn hãy giữ lại tất cả các mảnh răng vỡ, súc miệng với nước ấm.
3. Gẫy răng
Hãy giữ lại các phần thân răng và chân răng, súc miệng phần chân răng với nước nếu nó bị bẩn. Không chải sạch hoặc bỏ đi các tổ chức mô bị vỡ. Nếu có thể, cố gắng đặt lại chiếc răng vào vị trí cũ, đảm bảo rằng bạn đã đặt đúng khớp răng. Không tác động lực lên ổ răng. Nếu không thể đặt lại răng vào vị trí ổ răng cũ, đặt chiếc răng vào một chiếc hộp sữa hoặc một cốc nước chứa một chút muối. Tới nha sĩ càng sớm càng tốt. Răng bị gẫy vẫn có thể có khả năng cao được gắn lại nếu được nha sĩ đặt lại vào ổ răng trong vòng khoảng 1 giờ.
4. Vật cứng mắc kẹt giữa các răng
Trước tiên sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ vật thể này một cách nhẹ nhàng và cẩn thận. Nếu bạn không thể loại bỏ nó, hãy tới nha sĩ. Không sử dụng ghim hay những vật sắc nhọn khác để chọc vào vật bị mắc kẹt bởi chúng có thể chọc vào lợi hoặc làm xước bề mặt răng.
5. Rơi mối hàn răng sâu
Phương án tạm thời là hãy đặt một miếng kẹo cao su không đường vào lỗ răng sâu (lưu ý kẹo cao su có đường sẽ gây đau răng) hoặc dùng một loại chất hàn thông dụng không cần kê đơn. Tới nha sĩ càng sớm càng tốt.
Khi rơi mối hàn răng sâu bạn nên tới nha sĩ càng sớm càng tốt.
6. Rơi chụp răng
Nếu chụp răng rơi ra, bạn cần đặt lịch hẹn với nha sĩ ngay lập tức và mang theo chiếc chụp răng của bạn. Nếu bạn không thể tới nha sĩ ngay và chiếc răng bắt đầu đau nhức, hãy dùng bông gòn chấm một chút dầu đinh hương lên vị trí đau (bạn có thể mua dầu đinh hương ở hiệu thuốc hoặc trong quầy gia vị ở cửa hàng tạp hóa). Nếu có thể, nhẹ nhàng phủ lên bề mặt chân răng một lớp kem đánh răng rồi đặt chụp răng vào vị trí cũ, sau đó đến nha sĩ. Tuyệt đối không dùng keo dán thông thường!
7. Áp xe
Áp xe là một loại nhiễm trùng ở phần chân răng hoặc ở khu vực giữa răng và lợi. Áp xe là tình trạng nghiêm trọng có thể gây tổn thương tới các mô và vùng xung quanh răng, thậm chí có thể lan ra các phần khác của cơ thể nếu không được chữa trị kịp thời. Do áp xe có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe cơ thể nói chung, bạn cần tới nha sĩ ngay lập tức khi phát hiện ra dấu hiệu của áp xe: một nốt mủ sưng lên trên lợi và thường gây đau. Để giảm đau, hãy súc miệng với nước muối nhạt theo tỷ lệ ½ thìa cà phê với khoảng 200 ml nước vài lần một ngày.
8. Tổn thương mô mềm
Khi bạn bị tổn thương vùng mô mềm như lưỡi, má, lợi và môi, có trường hợp có thể dẫn đến chảy máu. Để kiểm soát máu ở vết thương, bạn nên làm theo các bước sau: Súc miệng bằng nước muối nhạt, dùng gạc ẩm hoặc túi trà lọc đắp lên vùng chảy máu, giữ trong khoảng 15 đến 20 giờ. Chườm lạnh bên ngoài từ 5 đến 10 phút. Nếu máu không ngừng chảy, bạn cần đến nha sĩ ngay lập tức hoặc tới bệnh viện. Hãy tiếp tục dùng gạc ấn nhẹ lên vết thương để cầm máu cho tới khi vết thương được xử lý.
Theo bệnh
Trả lời