Bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới là gì ?

Viêm tắc tĩnh mạch (TM) chi dưới, thuật ngữ chuyên môn gọi là huyết khối tĩnh mạch chi dưới, là tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch chi dưới, vị trí thường ở các tĩnh mạch sâu vùng cẳng chân, vùng đùi, khoeo, tĩnh mạch chậu do sự hình thành cục máu đông gây lấp lòng mạch.

Đây là một bệnh lý nguy hiểm vì triệu chứng có thể gây nhầm lẫn hoặc bỏ sót, dẫn đến chẩn đoán và điều trị muộn, tạo điều kiện cho cục máu đông di chuyển về tim, lên động mạch phổi gây thuyên tắc phổi. Hàng năm tại Hoa Kỳ có khoảng 50 000 bệnh nhân tử vong do thuyên tắc phổi. Có tới 10% bệnh nhân tử vong trong bệnh viện liên quan đến thuyên tắc phổi. Về lâu dài, viêm tắc tĩnh mạch sâu có thể phá huỷ các van tĩnh mạch, gây ra các hậu quả như phù, loét chi dưới …gọi là bệnh lý hậu huyết khối tĩnh mạch, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. 60% bệnh nhân viêm tắc TM chi dưới có thể bị bệnh lý hậu huyết khối này, nếu không được điều trị và theo dõi đúng cách.

suy-tinh-mach-chan-jpg-1358440336_500x0

Các dấu hiệu nhận biết

Khi cục máu đông gây lấp lòng tĩnh mạch, sẽ cản trở máu từ chi dưới trở về tim. Từ đó gây ra tình trạng ứ trệ trong lòng mạch, thoát dịch ra ngoài lòng mạch, giải phóng các yếu tố viêm. Bên chân bị tắc sẽ có hiện tượng sưng, nóng, đỏ, đau, khi sờ vào thấy cảm giác căng, tăng trương lực cơ, so với chân bên lành. Tuy nhiên, giai đoạn đầu của bệnh sẽ rất khó phát hiện vì biểu hiện sưng đau đều kín đáo. Vì vậy, để chẩn đoán sớm huyết khối tĩnh mạch chi dưới, cần chú ý phát hiện:

– Dấu hiệu Homans là dấu hiệu sớm phát hiện viêm tắc tĩnh mạch: bệnh nhân đau khi hơi gấp mu bàn chân.

– Các yếu tố nguy cơ, hay hoàn cảnh thuận lợi dẫn đến sự hình thành huyết khối tĩnh mạch.

Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây ra viêm tắc tĩnh mạch

Sự hình thành huyết khối trong lòng tĩnh mạch thường do nhiều yếu tố phối hợp, trong đó 3 yếu tố chính được Virchow mô tả là tình trạng tăng đông, ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch và sự tổn thương của nội mạc thành tĩnh mạch.

Các yếu tố thuận lợi của bệnh viêm tắc tĩnh mạch

– Tuổi: tuổi càng cao, càng dễ bị huyết khối tĩnh mạch.

– Béo phì.

– Giãn và suy tĩnh mạch chi dưới.

– Bất động kéo dài, nằm nhiều, ít đi lại.

– Tiêm chích ma tuý.

– Sau dùng một số thuốc như thuốc tránh thai, thuốc điều trị ung thư…

– Nguyên nhân ngoại khoa: Các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình chi dưới như thay khớp háng, khớp gối…, các phẫu thuật vùng ổ bụng, tiểu khung là những phẫu thuật có nguy cơ cao bị viêm tắc huyết khối tĩnh mạch.

– Nguyên nhân sản khoa: viêm tắc huyết khối tĩnh mạch dễ xảy ra ở phụ nữ mang thai (do thay đổi hormone, hoặc do thai lớn chèn ép vào tĩnh mạch), sau nạo phá thai, sau mổ, sau đẻ (do kiêng khem, bất động quá mức).

– Nguyên nhân nội khoa: bệnh nhân nằm điều trị trong khoa hồi sức tích cực, suy tim nặng, đợt cấp của bệnh phổi mạn tính, tai biến mạch máu não, nhiễm trùng nặng, ung thư … phải bất động kéo dài, là những nguyên nhân dễ dẫn đến hình thành huyết khối tĩnh mạch.

– Bệnh lý tăng đông máu: có thể là bẩm sinh do thiếu hụt một số yếu tố dẫn đến tình trạng tăng đông như thiếu hụt protein C, protein S, antithrombin III, yếu tố V Leyden… hoặc mắc phải như trong hội chứng kháng phospholipid, hội chứng thận hư, xơ gan…

Chẩn đoán bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới

Biểu hiện lâm sàng tại chân bị huyết khối tĩnh mạch là các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau, tăng trương lực cơ. Tuy nhiên, vì triệu chứng có thể không rõ ràng, cần đặc biệt chú ý đến hoàn cảnh thuận lợi làm tăng nguy cơ tắc tĩnh mạch chi dưới.

Cần phân biệt viêm tắc tĩnh mạch chi dưới với một số nguyên nhân khác cũng làm chân sưng to, đau:

– Tụ máu trong cơ: thường xuất hiện sau chấn thương

– Vỡ kén hoạt dịch sau khoeo chân: thường ở bệnh nhân có tuổi, thoái hoá khớp.

Chẩn đoán chính xác cục máu đông trong lòng tĩnh mạch khá đơn giản. Chỉ cần sử dụng một máy siêu âm có thể dễ dàng phát hiện cục máu đông trong lòng tĩnh mạch chi dưới, làm tĩnh mạch ấn không xẹp. Việc chẩn đoán sâu hơn, ví dụ tìm nguyên nhân bẩm sinh do rối loạn đông máu, hoặc nguyên nhân khác (ung thư, bệnh mạn tính), hay chẩn đoán biến chứng thuyên tắc phổi, thường đòi hỏi được thực hiện ở cơ sở chuyên khoa tim mạch, có sẵn các thăm dò cận lâm sàng cần thiết phục vụ chẩn đoán.

Điều trị bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới

Mục tiêu hàng đầu của điều trị viêm tắc tĩnh mạch là ngăn ngừa sự lan lên của cục máu đông, để ngăn chặn biến cố thuyên tắc mạch phổi. Mục tiêu lâu dài là tránh nguy cơ tái phát huyết khối tĩnh mạch chi dưới, giảm tối đa nguy cơ bệnh lý suy tĩnh mạch sâu hậu huyết khối.

Các biện pháp được sử dụng bao gồm:

– Thuốc chống đông, có hai loại: Thuốc chống đông đường truyền tĩnh mạch hay tiêm dưới da, là heparin và heparin trọng lượng phân tử thấp. Heparrin TLPT thấp được sử dụng phổ biến hơn, trong môi trường bệnh viện hoặc tại nhà với một số bệnh nhân (thuốc được tiêm dưới da bụng, do nhân viên y tế hoặc người nhà bệnh nhân đã được huấn luyện thực hiện), trong vòng 5 – 7 ngày, và gối với một thuốc chống đông đường uống gọi là kháng vitamin K, dùng lâu dài.

– Băng chun áp lực, hay tất áp lực y tế, có tính đàn hồi cao và áp lực từ 20 – 30 mmHg khi đeo, giúp duy trì một áp lực thường xuyên lên tĩnh mạch chi dưới, một mặt góp phần làm ly giải cục máu đông, giảm nguy cơ di chuyển của cục máu đông, mặt khác, ngăn ngừa biến chứng suy tĩnh mạch mạn tính.

– Chế độ vận động, dinh dưỡng: Thông thường bệnh nhân viêm tắc tĩnh mạch chi dưới khi mới điều trị được yêu cầu nằm tại giường, nhưng chỉ sau 24 – 48 giờ và được đeo tất hay băng áp lực, bệnh nhân được khuyến cáo dậy đi lại nhẹ nhàng. Về dinh dưỡng, người bệnh thường được khuyên tránh các thức ăn có thể gây táo bón. Điều quan trọng là chế độ ăn phù hợp với chế độ điều trị thuốc chống đông, hạn chế các thức ăn có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả của việc dùng thuốc. Trong thời gian dùng thuốc chống đông, người bệnh được khuyên tránh các hoạt động thể lực mạnh, có nguy cơ gây chảy máu, tránh sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, aspirin, thuốc đông y do làm tăng nguy cơ chảy máu.

Thời gian điều trị: Trong thời gian điều trị thuốc chống đông đường tiêm, bệnh nhân sẽ phải nằm viện, trung bình 7 – 10 ngày, nếu như không có biến chứng thuyên tắc phổi. Khi chuyển sang thuốc chống đông đường uống, bệnh nhân sẽ được theo dõi và điều trị ngoại trú. Hiệu quả điều trị thuốc chống đông kháng vitamin K đường uống được đánh giá dựa vào chỉ số INR, yêu cầu chỉ số này từ 2 – 3. Thông thường INR được xét nghiệm mỗi tháng 1 lần. INR dưới 2 chứng tỏ thuốc chống đông không có hiệu quả, INR trên 3 chỉ ra sự quá liều thuốc, có nguy cơ gây biến chứng chảy máu. Thời gian điều trị thuốc phụ thuộc vào nguyên nhân, tối thiểu là 3 tháng nếu viêm tắc tĩnh mạch có yếu tố nguy cơ rõ ràng và tạm thời, trên 12 tháng, thậm chí cả đời, nếu không rõ nguyên nhân, viêm tắc tĩnh mạch tái phát, hoặc do nguyên nhân rối loạn đông máu. Thời gian đeo tất hay băng áp lực được khuyến cáo tổi thiểu là 2 năm, tốt nhất là kéo dài, để tránh nguy cơ suy tĩnh mạch.

Phòng tránh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới

Những người có nguy cơ cao bị viêm tắc tĩnh mạch như sau phẫu thuật vùng tiểu khung, chấn thương chỉnh hình …, bị các bệnh lý nội khoa nặng nề buộc phải nằm bất động kéo dài … có chỉ định dùng thuốc chống đông dự phòng. Gia đình của họ đươc khuyên phải thường xuyên thay đổi tư thế, xoa bóp chân, có thể đeo tất áp lực dự phòng huyết khối ở chân cho bệnh nhân.

Phụ nữ có chỉ định điều trị hormone, dùng thuốc tránh thai, cần tham khảo bác sĩ điều trị và khám định kỳ. Phụ nữ có thai đặc biệt ở những tháng cuối, được khuyên mang tất áp lực, gác cao chân để tránh ứ trệ tuần hoàn. Sau đẻ, sau mổ nên dậy vận động sớm, xoa bóp chân tay, tránh nằm một chỗ.

Người béo phì, có lối sống tĩnh tại được tư vấn giảm cân, tăng cường tập thể dục thể thao để cải thiện hoạt động bơm của cơ. Khi đi ô tô, máy bay đường dài, để tránh nguy cơ tắc tĩnh mạch, nên uống nhiều nước, co duỗi chân tay, đứng dậy đi lại sau mỗi 1 – 2 tiếng nếu có thể, ngoài ra, có thể đeo tất áp lực phòng chống tắc mạch.

 

Theo Bệnh

The Gioi Cay Thuoc

Cùng Danh Mục :

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có thể sử dụng các thẻ HTML và thuộc tính sau: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

Hotline 24H Mua Hang Online