Dinh dưỡng cho người mắc bệnh thận hư
Người bị thận hư ăn được tất cả các loại rau quả, trừ trường hợp tiểu ít thì phải hạn chế rau quả. Trong giai đoạn phù, phải ăn nhạt hoàn toàn.
Hội chứng thận hư (HCTH) là hội chứng lâm sàng và sinh hóa xuất hiện ở nhiều bệnh do tổn thương ở cầu thận, đặc trưng bằng những dấu hiệu sau: Phù, Protein niệu cao, Protein máu giảm, Lipid máu tăng.
Tiêu chuẩn chẩn đoán:
1. Phù: Phù mặt, chi dưới; có thể phù toàn thân kèm theo cổ chướng và tràn dịch màng phổi.
2. Protein niệu cao > 3,5g/24 giờ.
3. Protein máu giảm < 60g/lít, Albumin máu 9g/lít, cholesterol tăng > 6,5mmol/lít, triglycerid > 2,3mmol/lít.
5. Có hạt mỡ lưỡng chất, trụ mỡ trong nước tiểu.
Trong đó các tiêu chuẩn 2 và 3 bắt buộc phải có.
Nguyên nhân dẫn tới HCTH
Có 2 nguyên nhân:
– Nguyên nhân nguyên phát ở cầu thận.
– Nguyên nhân thứ phát do các bệnh toàn thể hoặc những trường hợp bệnh lý khác dẫn đến.
– Ở người lớn, khoảng 80% viêm cầu thận không biết rõ nguyên nhân, còn lại là kết hợp với bệnh hệ thống hay bệnh lupus ban đỏ, tiểu đường và thận dạng bột.
Bệnh sinh của HCTH chưa được hiểu biết đầy đủ. Về giải phẫu bệnh học thì tổn thương ở màng đáy cầu thận là chủ yếu. Bình thường màng đáy không cho các phần tử lớn như protein đi qua. Khi có một nguyên nhân nào đó làm màng đáy bị tổn thương, điện thế của màng đáy bị thay đổi thì protein lọt qua được. Protein niệu càng nhiều thì protein máu càng giảm. Albumin ra nhiều nhất (80%) làm giảm áp lực keo của huyết tương, nước thoát ra ngoài lòng mạch.
Hậu quả là gây phù và giảm thể tích tuần hoàn hiện dụng. Từ đó một mặt trực tiếp gây tái hấp thu nước và Natri ở ống lượn gần, mặt khác gián tiếp qua hệ thống điều hòa nội tiết làm tăng ADH và Aldosteron. ADH tăng sẽ tái hấp thu nước ở ống góp, Aldosterol tăng sẽ tái hấp thu Na+ và nước ở ống lượn xa và ống góp. Kết quả của quá trình trên là cơ thể giữ Natri và giữ nước, do đó sẽ tiểu ít và dẫn tới phù toàn thân, kéo theo các rối loạn nước và điện giải. Về thành phần lipid máu tăng thì chưa có giải thích đầy đủ. Có giả thuyết cho rằng lipid, cholesterol máu trong HCTH là một yếu tố gây xơ hóa cầu thận và dẫn đến suy thận.
Khi mắc HCTH, bệnh nhân thường bị suy dinh dưỡng do thiếu protein – năng lượng do mất nhiều protein qua đường nước tiểu kèm theo chán ăn do giảm dịch ruột, phù gan và nội tạng. Ngoài ra ăn kém do cảm thấy căng trướng do bị cổ chướng. HCTH kéo dài sẽ dẫn đến tiêu cơ bắp, rụng tóc. Tình trạng thiếu dinh dưỡng còn góp phần làm tăng tình trạng mắc các bệnh nhiễm khuẩn trong HCTH như: Viêm phúc mạc tiên phát, viêm phổi, viêm cơ, lao phổi… Cho nên ngoài việc điều trị bằng thuốc, chế độ ăn trong HCTH cũng đóng vai trò hết sức quan trọng giúp cơ thể tăng sức đề kháng và chống lại các rối loạn về thành phần sinh hóa trong máu.
Khi chế biến thức ăn nên hấp, luộc; Hạn chế xào, rán, quay. Nên dùng các loại dầu thực vật thay thế mỡ.
Các nguyên tắc trong xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân bị HCTH:
1. Giàu chất đạm (protein): Do mất nhiều protein qua nước tiểu, làm giảm protein máu, giảm áp lực keo gây phù, teo cơ, suy dinh dưỡng, do đó chế độ ăn phải bù đủ lượng đạm cho chuyển hóa của cơ thể và số lượng đạm mất qua nước tiểu, nhưng cũng không nên ăn quá nhiều đạm vì có thể sẽ làm xơ hóa cầu thận dẫn đến suy thận.
Lượng đạm trung bình 1 ngày = 1g/kg/ngày + lượng protein mất qua nước tiểu trong 24 giờ. Trong đó 2/3 là đạm động vật có giá trị sinh học cao từ thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa. 1/3 là đạm thực vật từ gạo, mì, đậu đỗ…
2. Năng lượng: Ðảm bảo đủ năng lượng từ 35-40kcalo/kg/ngày.
3. Chất béo: Nên ăn giảm chất béo (20-25g/ngày). Do rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng cholesterol, vì vậy không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol như óc, lòng, các loại phủ tạng động vật, bơ, mỡ, trứng. Ðặc biệt nên tránh quan niệm “ăn thận bổ thận”, vì trong thận (bầu dục) có chứa nhiều cholesterol.
Khi chế biến thức ăn nên hấp, luộc; Hạn chế xào, rán, quay. Nên dùng các loại dầu thực vật như: Dầu đậu tương, dầu hạt cải, dầu lạc, dầu vừng để thay thế mỡ.
4. Các vitamin, muối khoáng và nước:
– Lượng nước trong chế độ ăn và uống hàng ngày bằng lượng nước tiểu + 500ml.
– Ăn nhạt, bớt muối, mì chính: 1-2g muối/ngày.
– Ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, beta caroten, vitamin A, selenium (như các loại rau xanh, quả chín có màu đỏ và vàng: đu đủ, cà rốt, xoài, giá đỗ, cam…) vì các loại vi chất dinh dưỡng nêu trên có tác dụng chống oxy hóa, chống tăng các gốc tự do – là những chất gây xơ hóa cầu thận, chóng dẫn đến suy thận. Trong những trường hợp tiểu ít và có kali máu tăng thì phải hạn chế rau quả.
Những thực phẩm nào nên dùng cho bệnh nhân HCTH?
1. Chất đường bột: Các loại gạo, mì, khoai sắn đều dùng được.
2. Chất béo: Các loại dầu thực vật (dầu đậu tương, dầu mè, lạc vừng…).
3. Chất đạm:
– Ăn thịt nạc, cá nạc, trứng sữa, đậu đỗ…
– Nên sử dụng sữa bột tách bơ (sữa gầy) để tăng cường lượng đạm và calci.
4. Các loại rau quả:
Ăn được tất cả các loại rau quả như người bình thường, trừ trường hợp tiểu ít thì phải hạn chế rau quả.
Những thực phẩm không nên dùng hoặc hạn chế dùng cho bệnh nhân bị HCTH?
1. Chất bột đường: Không cần kiêng một loại nào.
2. Chất béo:
– Giảm số lượng, hạn chế ăn mỡ động vật.
– Nên chế biến bằng cách hấp, luộc; Hạn chế xào, rán.
3. Chất đạm:
– Không sử dụng các phủ tạng động vật như tim, gan, thận, óc, dạ dày…
– Hạn chế trứng: 1-2 quả/tuần.
4. Các loại rau quả:
– Nếu bệnh nhân không tiểu được thì không nên ăn các loại quả có hàm lượng Kali cao như cam, chanh, chuối, dứa, mận…
Số lượng thực phẩm nên dùng trong một ngày
1. Gạo tẻ: 250-300g.
2. Thịt nạc hoặc cá nạc: 200g, hoặc thay thế bằng 300g đậu phụ.
3. Dầu ăn: 10-15g.
4. Rau: 300-400g.
5. Quả: 200-300g.
6. Muối ăn: 2-4g.
7. Sữa bột tách bơ: 25-50g.
8. Ðường: 10g.
Lưu ý: Ăn nhạt hoàn toàn trong giai đoạn phù; Khi hết phù có thể ăn 2 thìa cà phê nước mắm 1 ngày.
Trả lời