Các phương pháp “lấy độc trị độc” mạo hiểm nhưng hiệu quả bất ngờ
Đối với những người bị suy tim, digoxin có thể là loại thuốc cứu sinh giúp tăng cường tim, kiểm soát nhịp tim và cải thiện lưu thông.
Asen, nọc độc rắn, hoa mao địa hoàng hay cây độc cần… là những thứ cực độc, có thể gây chết người, nhưng cũng được sử dụng làm phương pháp chữa bệnh trong y học.
Asen: Đây là yếu tố có thể gây ung thư cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể chữa khỏi bệnh. Asen, thường được tìm thấy trong tự nhiên, thuốc trừ sâu, các sản phẩm xây dựng, đã từng được sử dụng để điều trị y tế như bệnh giang mai trong nhiều thập kỷ trước. Nó là chất độc liều cao, nhưng cũng có thể điều trị một loại ung thư máu hiếm gặp gọi là bệnh bạch cầu cấp tính tiên phát.
Mao địa hoàng: Theo Mayo Clinic, đối với những người bị suy tim, digoxin có thể là loại thuốc cứu sinh giúp tăng cường tim, kiểm soát nhịp tim và cải thiện lưu thông. Nó cũng có nguồn gốc từ loại cây gây chết người đó là mao địa hoàng. Loài cây này được coi là độc vì lá của nó khi tiêu thụ có thể dẫn đến tụt huyết áp, nhịp tim không đều, đồng thời gây nhầm lẫn, trầm cảm, ảo giác, đau đầu, giảm thị lực, nôn mửa, tiêu chảy hoặc phát ban.
Nọc rắn hổ mang Ấn Độ: Rắn hổ mang Ấn Độ nằm trong số những loài rắn độc phổ biến nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng nọc độc của chúng có thể cung cấp giải pháp cho 350 triệu bệnh nhân viêm khớp trên thế giới.
Các thí nghiệm trên chuột bị mắc bệnh viêm khớp cho thấy chỉ với liều nhỏ nọc rắn hổ mang đã giúp giảm sưng và cứng khớp triệt để. Điều này xảy ra là do nọc độc của loài rắn này ức chế sự phá vỡ collagen trong khớp dẫn đến tổn thương khớp. Từ ứng dụng thành công trên chuột, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để xem chúng có thể hoạt động như thế nào đối với con người.
Độc cần: Độc cần được xếp vào danh sách những loài thực vật độc nhất thế giới. Nó độc đến mức có thể gây chết người ngay cả khi con người ăn phải thịt con vật từng nuốt phải hạt cây này. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết một số thành phần của độc cần được sử dụng trong điều trị chứng động kinh, rối loạn tâm thần, ho gà… Nó cũng làm giảm cơn đau mọc răng ở trẻ em và các triệu chứng của người mắc bệnh Parkinson.
Cây thanh tùng: Theo Medical Daily, hạt, lá và vỏ cây thanh tùng rất độc hại đối với con người, có thể khiến người tử vong chỉ sau vài giờ ăn phải. Tuy nhiên, vỏ cây thanh tùng này lại chứa một thành phần được sử dụng ngăn chặn sự tiến triển của một số loại ung thư nhất định như ung thư vú và phổi.
Cây bạch anh: Hay còn gọi là cây Deadly Nightshade (cái chết trong đêm), cây bạch anh gây ngộ độc khi bạn ăn phải quả, lá hoặc bộ phận nào đó của cây bạch anh. Biểu hiện sau khi ăn là nói lắp, ảo giác, nôn mửa hoặc tử vong… Tuy vậy, chiết xuất chất độc từ loài cây này lại được sử dụng để điều trị hen suyễn, bệnh gút, động kinh. Ngoài ra, nó còn có khả năng ngăn chặn xung đột thần kinh, nghĩa là điều chỉnh một số phản xạ cơ thể, như làm chậm nhịp tim trong khi phẫu thuật.
Trả lời