Chớ coi thường bệnh cổ họng “khọt khẹt”
Nhiều bệnh nhân tự mua thuốc uống hoặc không tuân thủ chỉ định của bác sĩ khiến bệnh cổ họng “khọt khẹt” kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trời chuyển lạnh cũng là thời điểm cổ họng “khọt khẹt”. TS.BS Nguyễn Trọng Minh, phụ trách Phòng khám Tai mũi họng BV Chợ Rẫy TPHCM cho biết, mỗi ngày bệnh viện khám khoảng 200 bệnh nhân có liên quan đến viêm họng. Muốn điều trị triệt để bệnh viêm họng, phải biết chính xác nguyên nhân.
Các dạng viêm họng
Viêm họng nhìn chung đều có triệu chứng đau họng, khó nuốt, khạc đàm nhiều và ho. Tuy nhiên, chỉ khi bệnh nhân đi khám mới được bác sĩ chẩn đoán chính xác bị viêm họng dạng nào và có hướng điều trị hiệu quả.
Viêm họng có thể chia làm ba dạng: viêm xoang đổ xuống, viêm tại chỗ và viêm hạ họng.
Một trong những bệnh viêm họng tại chỗ là viêm amiđan (hốc mủ, bã đậu). Viêm họng tại chỗ còn do viêm họng hạt, nhìn từ ngoài vào sẽ thấy thành sau họng của bệnh nhân có những chấm đỏ.
Các chấm đỏ này chính là tổ chức lympho ở niêm mạc họng sưng lên. Người bị viêm họng hạt có triệu chứng hơi khác với viêm họng bình thường ở chỗ ho, hay tằng hắng, nuốt vướng. Viêm họng tại chỗ còn do viêm răng, nha chu, mủ chân răng, sâu răng.
Tuyến nước bọt nằm ở mang tai, dưới cằm, dưới hàm và đều đổ ra miệng. Khi cửa tuyến nước bọt đổ ra họng bị viêm, có thể gây viêm họng tại chỗ.
Viêm hạ họng gồm viêm đáy lưỡi, nắp thanh môn, thanh quản, hoặc viêm họng do trào ngược, viêm hô hấp (viêm phổi, viêm khí phế quản).
Viêm họng kéo dài coi chừng ung thư
Thống kê cho thấy, viêm họng mạn tính gặp ở 80% dân số. BV Chợ Rẫy ghi nhận không ít bệnh nhân tới khám do viêm họng kéo dài. Sở dĩ như vậy, do hai khả năng: bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ (về liều lượng, thời gian dùng thuốc, tái khám), hoặc bệnh nhân chỉ được điều trị triệu chứng mà không tìm ranguyên nhân.
Thông thường, viêm họng kéo dài không gây biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, có khi viêm họng kéo dài chính là biểu hiện của những tổn thương và các nguy cơ tiềm ẩn. Chẳng hạn với bệnh lý polyp mũi đảo ngược, để lâu sẽ có xu hướng biến thành ung thư. Hay bệnh lý vùng thanh quản cũng là tiền đề cho bệnh ung thư…
“Một số bệnh nhân đến khám chỉ để điều trị viêm họng, nhưng sau khi kiểm tra, làm xét nghiệm sinh thiết mới biết bị ung thư. Đa phần không phát hiện được ung thư trong giai đoạn đầu”, TS.BS Nguyễn Trọng Minh nói.
TS.BS Nguyễn Trọng Minh khuyên, khi có các triệu chứng ho, sưng họng, bất thường vùng mũi họng, bệnh nhân cần đi khám ngay.
Tuy nhiên, không phải bác sĩ nào cũng có thể tìm ra căn nguyên của bệnh viêm họng. Muốn phát hiện sớm bệnh, phụ thuộc không chỉ vào tay nghề, kinh nghiệm của bác sĩ mà phòng khám phải được hỗ trợ đầy đủ phương tiện (nội soi).
Nếu thiếu một trong những yếu tố trên, điều trị viêm họng nhìn chung chỉ mang tính chất chữa triệu chứng. Khi bệnh nhân tới khám, tùy thuộc vào tình trạng và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ cho thuốc và liều lượng thuốc khác nhau.
Nguyên nhân gây viêm họng do vi trùng, bệnh nhân sẽ dùng thuốc kháng sinh, nếu bị nấm thì dùng thuốc chống nấm. Trong trường hợp sinh thiết phát hiện ung thư, bác sĩ sẽ giới thiệu bệnh nhân tới bệnh viện có chuyên khoa ung bướu (tại BV Chợ Rẫy, bác sĩ chuyển bệnh nhân qua khoa ung bướu và hội chẩn liên chuyên khoa để cùng lên phác đồ).
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Minh, viêm họng có những nguyên nhân phòng tránh được và cũng có những nguyên nhân không thể phòng tránh.
Mọi người khi tiếp xúc với người bệnh hoặc đi tới chỗ công cộng cần đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, cần che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi; nhớ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ.
Theo Phụ nữ TPHCM
Trả lời